Vận chuyển đề thi THPT quốc gia qua hệ thống của ngành Cơ yếu giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm
Một số hạn chế trong quy trình vận chuyển đề thi THPT hiện nay
Kỳ thi tốt nghiệp THTP quốc gia hằng năm là một kỳ thi lớn nhất trên quy mô cả nước, diễn ra đồng loạt tại tất cả các tất cả các tỉnh, thành phố với cả triệu thí sinh tham dự, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội. Chính vì vậy, công tác bảo mật đề thi được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Theo khoản 1 Điều 16 Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “TỐI MẬT”. Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật ngay khi hết giờ làm bài của bài thi/môn thi cuối cùng của kỳ thi. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “TỐI MẬT” đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba thời gian làm bài của bài thi tự luận”.
Như vậy, đề thi tốt nghiệp THPT thuộc cấp độ “TỐI MẬT” trong 03 cấp độ mật của Nhà nước quy định, do đó sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, từ việc xây dựng đề thi (theo nguyên tắc cách ly 3 vòng độc lập), đến việc in sao, vận chuyển, bàn giao, bảo quản, sử dụng đề thi.
Công tác vận chuyển đề thi hiện nay (ảnh Internet)
Hiện nay, phong bì (túi) chứa đề thi để vận chuyển và bàn giao đề thi từ nơi làm đề thi đến Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, các Hội đồng thi/ Điểm thi phải được làm bằng giấy đủ độ bền, kín, tối màu và được dán chặt, không bong mép, có đủ nhãn, dấu niêm phong; nội dung in trên túi phải theo đúng quy định của Bộ GDĐT. Cùng với đó, toàn bộ quá trình vận chuyển và bàn giao đề thi phải được lực lượng công an giám sát; các túi chứa đề thi phải được đựng trong các thùng có khóa và được niêm phong; phải lập biên bản về quá trình giao nhận, vận chuyển. Tuy nhiên, công tác vận chuyển, bàn giao đề thi bộc lộ nhiều bất cập, có thể kể đến:
Thứ nhất, rủi ro thất lạc do thiên tai
Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng quy trình vận chuyển đề thi vẫn tồn tại khả năng rò rỉ thông tin đề thi đến từ các yếu tố thiên tai, mất mát, tiết lộ có chủ đích của các thành phần tham gia trong quá trình vận chuyển, in sao.
Thứ hai, tốn kém về chi phí vật tư, vật lực
Kỳ thi THPT là kỳ thi lớn nhất trên quy mô cả nước, diễn ra đồng loạt tại 63 tỉnh, thành. Do đó, quy trình bàn giao, vận chuyển hiện tại yêu cầu phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo an ninh, an toàn. Đối với các địa phương ở xa hay các đảo, việc vận chuyển yêu cầu sử dụng các phương tiện như tàu cao tốc hay trực thăng. Cùng với đó, trong toàn bộ quy trình vận chuyển, in sao cần có các cán bộ chuyên trách và lực lượng công an giám sát, kèm theo quy trình bàn giao chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc phát sinh các chi phí vận chuyển, nhân sự, vật tư.
Thứ ba, khó đáp ứng yêu cầu khắt khe về thời gian
Với đặc thù quy mô tổ chức, kỳ thi THPT đặt ra yêu cầu khắt khe về thời gian. Sau khi hoàn thành đề thi, việc đóng gói, in sao, vận chuyển cần có một khoảng thời gian nhất định để triển khai trên toàn quốc (có thể lên tới cả tháng). Tuy nhiên, đối mặt với những rủi ro về lộ lọt thông tin hiện nay, thì tính sẵn sàng của việc triển khai phương án dự phòng sẽ phải thực hiện đúng theo quy trình vận chuyển chuẩn, cùng một khoảng thời gian dài. Do đó, tính linh hoạt chưa cao.
Năm 2025: vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ
Trong bối cảnh đó, Bộ GDĐT đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ hỗ trợ đảm bảo bảo mật trong toàn bộ quá trình vận chuyển đề thi từ Hội đồng ra đề thi đến Ban in sao đề thi tại các tỉnh, thành phố, đảm bảo các yếu tố bí mật, xác thực, nghiệp vụ của đề thi.
Đứng trước yêu cầu đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai các giải pháp bảo mật tổng thể, đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn tuyệt đối từ việc bảo mật các thiết bị đầu cuối, bảo mật kênh truyền đến các giải pháp an ninh, an toàn cho hệ thống.
Trước khi triển khai vào kỳ thi THPT, Bộ GDĐT đã phối hợp cùng Ban Cơ yếu Chính phủ thử nghiệm thành công quy trình này trong kỳ thi chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế và khu vực hồi tháng 3/2024. Dự kiến, tiếp tục áp dụng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (dự kiến vào tháng 12/2024).
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT (ảnh Internet)
Giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn vận chuyển đề thi của ngành Cơ yếu
Sớm dự đoán tầm quan trọng của công tác bảo mật, an toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, phát triển và sản xuất, đưa vào sử dụng nhiều giải pháp nhằm bảo mật thông tin bí mật nhà nước trên môi trường mạng. Theo nguyên tắc của bảo mật dữ liệu nói chung và bảo mật thông tin bí mật nhà nước nói riêng, toàn bộ vòng đời của dữ liệu sẽ luôn được nằm trong lớp mã hóa của ngành Cơ yếu. Bắt đầu từ việc thu thập, lưu trữ đến xử lý, sử dụng, bảo quản và xóa bỏ an toàn.
Đối với việc bảo mật cho đề thi THTP, tương ứng với 3 vòng cách ly độc lập, các giải pháp của bảo mật của ngành Cơ yếu được sử dụng linh hoạt, hiệu quả. Quy trình được mô tả ngắn gọn như sau:
Giai đoạn thứ nhất: Đề thi sẽ được sao chép bằng thiết bị lưu trữ chuyên dụng của ngành Cơ yếu từ máy tính soạn đề đến khu vực mã hóa. Việc sao chép bằng thiết bị chuyên dụng sẽ đảm bảo an toàn dữ liệu, chống tự động sao chép các phần mềm độc hại. Sau đó, đề thi được mã hóa bằng chương trình của ngành Cơ yếu với cấp độ “TỐI MẬT” trên máy tính mã hóa.
Giai đoạn thứ hai: Đề thi mã hóa sẽ được sao chép vào các máy tính truyền tin để truyền tới các điểm in sao bằng cách tải lên máy chủ lưu trữ dữ liệu đặt tại Trung tâm dữ liệu của Ban Cơ yếu Chính phủ. Quy trình này đảm bảo cho việc các tệp tin mã hóa chỉ có người có thẩm quyền mới có thể tiếp cận. Không nhưng thế, trong trường hợp các đối tượng xấu tiếp cận có chủ đích, thì dữ liệu vẫn đảm bảo tín toàn vẹn bởi không thể giải mã.
Giai đoạn thứ ba: Đề thi sau khi được tải xuống sẽ tiếp tục sử dụng thiết bị lưu trữ chuyên dụng của ngành Cơ yếu để truyền file từ máy truyền tin sang máy giải mã. Ở cấp độ “TỐI MẬT”, đề thi sẽ được giải mã bằng chương trình của ngành Cơ yếu, bảo đảm tính bí mật, chính xác, toàn vẹn dữ liệu và chống chối bỏ.
Cuối cùng, đề thi sau khi được giải mã sẽ được sao chép bằng thiết bị chuyên dụng của ngành Cơ yếu tới các máy in sao để phục vụ việc nhân bản đề.
Tiết kiệm - Hiệu quả - Bảo mật
Có thể nhận thấy, việc đổi mới trong quá trình vận chuyển, in sao đề thi là xu hướng tất yếu. Bởi quy trình này giúp tiết kiệm thời gian in sao đề thi chỉ còn dưới 10 ngày (kể cả khi thời tiết mưa, bão), kéo theo các chi phí nhân lực, vật lực được giảm thiểu tối đa. Đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong mọi tình huống. Đề thi được đảm bảo tính bí mật, chính xác, toàn vẹn dữ liệu chống chối bỏ.
Động thái này cũng ghi nhận quyết tâm của của Bộ GDĐT trong việc đẩy mạnh chuyển đổi các hoạt động lên không gian mạng và tăng cường áp dụng công nghệ số trong làn sóng Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Bộ GDĐT xác định việc bảo mật an ninh, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.
Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang từng bước cung cấp hệ sinh thái các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin, đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến; giúp giảm thiểu rủi ro về lộ lọt các thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin các cơ sở hạ tầng trọng yếu, hướng tới phát triển bền vững, đột phá trong Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngọc Mai