Việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng là ưu tiên hàng đầu
Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, hầu hết các em đều tiếp cận với Internet và thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Độ tuổi trung bình của trẻ em Việt Nam sử dụng Internet là 9 tuổi, sớm hơn 4 tuổi so với trung bình của thế giới.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng mà thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet an toàn là một yếu tố chính. Trẻ em thường không nhận thức đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn trên mạng và dễ trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo, xâm hại tình dục, bắt nạt.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), khảo sát tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ em sử dụng Internet hơn 1 tiếng/ngày. Có 43,4% trẻ em sử dụng Internet từ 1-3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 54,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố, mẹ/người thân và 30,4% bố, mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ.
Kết quả báo cáo quốc gia về nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại, bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng cho thấy 23% trẻ độ tuổi từ 12-17 tuổi sử dụng Internet đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng; 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Có 8% trẻ từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân; 2% trẻ đã được yêu cầu nói chuyện về tình dục khi trẻ không muốn. Tuy nhiên, 43% trẻ không nói với ai vì cho rằng sẽ không giải quyết vấn đề gì.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy 3 năm qua, lực lượng chức năng cả nước đã khởi tố hơn 380 vụ với hơn 550 bị can về các tội xâm hại trẻ em và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Cơ quan công an cũng ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, lừa đảo, bạo lực độc hại đối với trẻ em cũng như những thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự nhân phẩm; vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại vi phạm pháp luật.
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào cạm bẫy của các nhóm đối tượng tội phạm trên mạng Internet. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là việc làm cấp bách.
Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em trở thành những công dân số. Các em cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, biết tự bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm mạng. Đó là những liều "vaccine số" hữu hiệu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Nguyễn Thu (tổng hợp)