Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ
Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.
Kết quả này tương tự báo cáo của Cục Thống kê Dân số Mỹ. Cụ thể, trong tháng 2, các đơn hàng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ đạt 4,86 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, chip có nguồn gốc từ châu Á chiếm 83%.
Trong 10 thị trường nhập khẩu vào Mỹ nhiều nhất, Việt Nam là một trong sáu thị trường tăng trưởng mạnh từ tháng 2/2022 đến 2.2023, trong khi doanh thu từ Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines giảm.
Doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này.
Theo đánh giá của Bloomberg, cùng với việc đưa chuỗi sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc, hành động giảm thị phần nhập khẩu chip từ Malaysia, vốn là một thành trì lâu năm về đóng gói chip, cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử của mình.
Ngoài Việt Nam, hai thị trường khác cũng tăng trưởng mạnh là Campuchia với gần 7 lần từ 20,8 triệu USD lên 166,3 triệu USD, trong khi Ấn Độ tăng 34 lần lên mức hơn 152 triệu USD vào tháng 2/2023.
Thời gian qua, ngành chip tại Việt Nam đạt nhiều thành tựu, bao gồm cả việc tự sản xuất chip hay gia tăng sản lượng trong các nhà máy lớn. IPV, nhà máy chip của Intel tại Việt Nam đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022. Đơn vị này mất hơn 10 năm, từ 2010 đến 2020, để cho ra đời hai tỷ đơn vị sản phẩm đầu tiên, nhưng chỉ cần chưa tới hai năm tiếp theo để tăng con số lên 3,5 tỷ sản phẩm vào cuối 2022.
Việt Nam hiện có 20 công ty làm việc trong lĩnh vực IC Design với khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế. Việt Nam có thể đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn trên bình diện toàn cầu.
Đầu tháng 4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip.
Các chuyên gia nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này. Ông Steve Long, Tổng giám đốc Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, nhận định: "Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip".
Quốc Trung