Chiến lược tách rời công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc (phần II)

14:00 | 20/03/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Phần I bài báo đã giới thiệu quá trình hình thành chính sách tách rời công nghệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc và cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với việc tách rời công nghệ Trung Quốc. Trong phần II bài báo sẽ giới thiệu tới quý bạn đọc các biện pháp tách rời dưới thời tổng thống Joe Biden và tác động từ việc tách rời công nghệ Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc.

Các biện pháp tách rời dưới thời tổng thống Joe Biden

Tiếp tục chính sách dưới thời ông Donald Trump, chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục xử phạt các công ty công nghệ Trung Quốc dưới nhiều hình thức. Kể từ năm 2020, Hoa Kỳ đã ngăn chặn sự hợp tác chung giữa các công ty Trung Quốc và Hoa Kỳ bằng cách đưa các công ty Trung Quốc vào "danh sách thực thể", thu hẹp không gian hợp tác giữa các công ty công nghệ Trung Quốc với Hoa Kỳ. Tháng 5/2022, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC Securities and Exchange Commission) đã đưa các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ (chẳng hạn như Sina và Didi) vào danh sách “dự kiến hủy niêm yết” với lý do các công ty này không tuân thủ các quy tắc kiểm toán của “Đạo luật Trách nhiệm giải trình đối với các công ty nước ngoài”, khiến các công ty Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc tại Mỹ.

Dưới thời kỳ của chính quyền Joe Biden, Hoa Kỳ đã đạt được sự đồng thuận rằng cần chú ý nhiều hơn đến các biện pháp "tự cường". Sự kiện quan trọng nhất là việc cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ thông qua “Đạo luật cạnh tranh và đổi mới Hoa Kỳ năm 2021” và “Đạo luật cạnh tranh Hoa Kỳ năm 2022”, dự kiến những khoản đầu tư kỷ lục vào các công nghệ mới nổi và ngành sản xuất của Hoa Kỳ. Cả hai đạo luật đều tập trung vào sự phát triển của của chính công nghệ Hoa Kỳ, nhấn mạnh vào việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước, tăng kinh phí cho R&D công nghệ tiên tiến và nghiên cứu khoa học, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này.

Tháng 7/2022, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Chip và Khoa học”. Đạo luật này dự kiến đầu tư ngân sách 52,7 tỷ USD để chuẩn bị thành lập dự án quỹ CHIPS nhằm kích thích nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn tại Hoa Kỳ, hỗ trợ tài chính cho việc gây quỹ và R&D sản xuất chất bán dẫn, các cơ sở lắp ráp, thử nghiệm hoặc đóng gói tiên tiến tại Hoa Kỳ, đồng thời thu hút các nhà sản xuất chip đầu tư và xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ. Động thái này của Hoa Kỳ nhằm tăng năng lực sản xuất chip trong nước, giảm sự phụ thuộc vào Đông Á trong lĩnh vực sản xuất chip, đồng thời đảm bảo sự ổn định và linh hoạt của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng chip. Hoa Kỳ cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc nắm bắt công nghệ truyền thông vệ tinh và lĩnh vực 6G, do đó đã tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực này nhằm nắm bắt đỉnh cao công nghệ truyền thông thế hệ tiếp theo. Ví dụ trong R&D lĩnh vực 6G, tháng 10/2020, Hoa Kỳ thúc đẩy AT&T, Ericsson, Google, Microsoft và các công ty công nghệ khác thành lập liên minh "Next G". Về truyền thông vệ tinh, SpaceX của Hoa Kỳ đang tích cực triển khai chương trình vệ tinh Starlink lớn nhất thế giới, dự định phóng 42.000 vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái đất để tạo ra một thế hệ vệ tinh Internet mới.

Chính quyền Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Joe Biden đã tích cực sử dụng hệ thống đồng minh và các công cụ an ninh truyền thống để thực hiện các trò chơi địa chính trị. Sau khi lên nắm quyền, Joe Biden nhanh chóng bắt tay vào hàn gắn các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, thông qua hệ thống liên minh an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tức là hệ thống trục và nan hoa, lôi kéo các đồng minh tham gia các cơ chế khác nhau của Hoa Kỳ. "Liên minh dân chủ công nghệ" là một phần quan trọng trong chiến lược tách rời của Hoa Kỳ nhằm thực hiện "phi Trung Quốc hóa" trong chuỗi công nghiệp. 

Từ tháng 2/2021, chính quyền tổng thống Joe Biden đã triển khai "Liên minh dân chủ công nghệ", mục tiêu nhằm "thiết lập các quy tắc và chuẩn mực cho việc sử dụng công nghệ", ngăn chặn "các quốc gia độc tài" thống trị công nghệ toàn cầu. Tháng 6/2021, Hoa Kỳ và EU thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ xuyên Đại Tây Dương (TTC). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giải thích về động thái này như sau: Được thành lập để cộng tác trong việc phát triển và ứng dụng các công nghệ mới dựa trên các giá trị dân chủ được chia sẻ; nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương và đảm bảo sự đồng lãnh đạo trong việc phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu cho các công nghệ mới nổi và công nghệ quan trọng khác dựa trên các giá trị dân chủ; duy trì vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và đồng minh về công nghệ, chống lại ảnh hưởng của “chủ nghĩa độc tài” trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số và công nghệ mới nổi.

Hoa Kỳ cùng với EU khởi động kế hoạch “hạ tầng kỹ thuật số”, hạn chế sự hợp tác ở nước ngoài của Trung Quốc. Cuộc họp G7 năm 2021, Hoa Kỳ đã dẫn đầu khởi động một sáng kiến có tên "Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” (B3W). Theo kế hoạch, các nước phát triển sẽ thành lập một quỹ xúc tiến để cung cấp quỹ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho các nước đang phát triển. Sau đó, EU đã công bố khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng "Cổng toàn cầu" (Global Gateway ), dự kiến đầu tư 300 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu. Hoa Kỳ và EU đã liên tiếp đưa ra các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để tích cực thúc đẩy việc triển khai thiết bị kỹ thuật số toàn cầu cho các công ty Hoa Kỳ và Châu Âu, chống lại ảnh hưởng ở nước ngoài của "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" (DSR) của Trung Quốc, thu hẹp phạm vi xâm nhập của thiết bị kỹ thuật số Trung Quốc ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, Liên minh tình báo Five Eyes do Hoa Kỳ đứng đầu cũng hoạt động tích cực, nội hàm bao gồm cả không gian mạng, làm gia tăng áp lực lên Trung Quốc về chuỗi cung ứng ICT và phát triển công nghệ mới nổi.

Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", Hoa Kỳ đề xuất: Phối hợp với các đối tác để duy trì tính toàn vẹn của các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các tiêu chuẩn kỹ thuật dựa trên sự đồng thuận, phù hợp với giá trị; tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu di chuyển và truy cập vào dữ liệu khoa học từ các nước đồng minh và đối tác; triển khai Khuôn khổ về hành vi có trách nhiệm trong không gian mạng và các tiêu chuẩn liên quan. Cơ chế tứ giác Mỹ - Nhật - Ấn - Úc (QUAD) là một trong những “vòng tròn nhỏ” do Hoa Kỳ khởi xướng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng được giao một sứ mệnh đặc biệt: Tiến hành nghiên cứu và phát triển chung về các công nghệ quan trọng và mới nổi để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật chung.

Tháng 3/2021, Hoa Kỳ thông báo rằng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc để phát triển các tiêu chuẩn cho các công nghệ mới nổi như 5G và trí tuệ nhân tạo. Hoa Kỳ cũng cố gắng mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sang các lĩnh vực như R&D và an ninh chuỗi cung ứng, để bổ sung sức mạnh cho cơ chế bộ tứ. Vào tháng 4 và tháng 5/2021, một thỏa thuận quan trọng đã đạt được tại cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã thuyết phục thành công TSMC và Samsung đầu tư thành lập các nhà máy tại Hoa Kỳ để sản xuất chip cao cấp, cùng với Nhật Bản thành lập một tổ chức nghiên cứu và phát triển chip mới, bao gồm cả dây chuyền sản xuất. Đài Loan và TSMC gần đây thường xuyên xuất hiện trên các báo cáo và truyền thông của think tank Hoa Kỳ, đồng thời trở thành đối tác và đồng minh không thể thiếu để Hoa Kỳ thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần mở rộng "cành ô liu" cho các công ty ở Đài Loan, cố gắng can thiệp sâu hơn vào vấn đề eo biển Đài Loan thông qua hợp tác công nghiệp.

Tác động từ việc tách rời công nghệ Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc

Nhiều hạn chế thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã dẫn đến một số tách rời kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Một báo cáo do Rabobank công bố tháng 7/2020 cho thấy chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ đã bắt đầu lệch khỏi Trung Quốc. Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm 17%, tương đương 88 tỷ USD vào năm 2019. Sự thoái lui từ Trung Quốc đặc biệt rõ rệt trong ngành công nghiệp máy tính và điện tử như chất bán dẫn và thiết bị không dây. Việt Nam, Mexico và Đài Loan là những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển hướng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Ba ngành công nghệ cao, bao gồm thiết bị truyền thông không dây, lắp ráp bảng mạch in và chất bán dẫn là những ngành chính chuyển ra khỏi Trung Quốc. Trong ngắn hạn, Hoa Kỳ được hưởng lợi từ việc chuyển giao chuỗi công nghiệp. Trong khi nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc giảm 88 tỷ USD vào năm 2019 thì nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới tăng 68 tỷ USD, nghĩa là ít nhất 20 tỷ USD sản xuất có thể đã chảy ngược trở lại Hoa Kỳ từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất máy tính và điện tử.

Mối quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã làm tăng chi phí sản xuất và sự không chắc chắn của các công ty liên quan ở Trung Quốc. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một số công ty nước ngoài đã bắt đầu áp dụng chiến lược "Trung Quốc + 1" để hạn chế rủi ro chuỗi cung ứng đồng thời vẫn tận dụng các cơ hội tại thị trường Trung Quốc. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm tăng mối lo ngại của các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp cân nhắc chuyển địa điểm để cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ. Dự báo về gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là lý do quan trọng đẩy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trong nhiều ngành công nghiệp.

Nhìn vào xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã giảm 13% trong năm 2019. Hàng không vũ trụ và các sản phẩm ICT bị ảnh hưởng nhiều nhất. Kể từ năm 2016, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ICT của Hoa Kỳ sang Trung Quốc tiếp tục giảm. Năm 2019, tỷ trọng đã giảm gần 16%. Năm 2020, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ sang Trung Quốc là 30,762 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2019.

Về đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, giá trị các giao dịch M&A của Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã giảm từ 9 tỷ USD năm 2017 xuống 3 tỷ USD vào năm 2018. Đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ và tỷ trọng của nước này trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ cũng giảm dần theo từng năm. Theo yêu cầu của Hoa Kỳ, các nhà đầu tư Trung Quốc đã gửi 60 thông báo đầu tư cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) vào năm 2017 (25% tổng số toàn cầu), 55 vào năm 2018, 25 vào năm 2019 và chỉ 17 vào năm 2020 (9% tổng số).

Tác động của việc tách rời công nghệ chủ yếu được phản ánh trong ngành công nghiệp bán dẫn. Chất bán dẫn là sản phẩm được sản xuất thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu chuyên môn hóa cao. Hiện tại, Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về doanh số, lợi nhuận và đổi mới, đồng thời có 8 trong số 15 công ty bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm 48% doanh số toàn cầu vào năm 2020, vượt xa các quốc gia khác. Nhưng đồng thời, trong các lĩnh vực như sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn đúc, các công ty Mỹ gần như phụ thuộc vào chuỗi cung ứng châu Á. Trong khi các công ty Hoa Kỳ vẫn thống trị thị trường toàn cầu, thì thị phần của Hoa Kỳ trong năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2020 do đầu tư lớn từ các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.

Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ được thể hiện ở chỗ vào năm 2020, Hoa Kỳ đã xuất khẩu khoảng 14,1 tỷ USD mạch tích hợp sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), mang lại thặng dư thương mại khoảng 12,7 tỷ USD cho nước này. Vào năm 2021, doanh số bán chất bán dẫn của Hoa Kỳ tại Trung Quốc vào khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm khoảng 35% doanh số bán chất bán dẫn của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy chính sách tách rời công nghệ, chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ về chính sách tách rời khoa học và công nghệ của chính phủ Hoa Kỳ. Một số ý kiến cho rằng mặc dù mối quan hệ kinh tế và chuỗi cung ứng với Trung Quốc liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, nhưng để đạt được sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế, Hoa Kỳ nên sử dụng các tiêu chuẩn an ninh quốc gia có giới hạn, tập trung vào những rủi ro quan trọng nhất và giải trình rõ ràng những lo ngại về an ninh này, thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có mục tiêu, nếu không sẽ nhường thị phần của Hoa Kỳ cho các đối thủ cạnh tranh.

Nhận định về xu hướng tách rời trong tương lai

Từ những diễn biến mới nhất trong việc Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc và hoạch định chiến lược của "Đạo luật Cạnh tranh Hoa Kỳ 2022" có thể phân tích xu hướng tương lai của việc Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc trên các phương diện sau:

Ở khía cạnh sản phẩm công nghệ:  Hoa Kỳ có thể tách khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và chuỗi công nghiệp công nghệ mới nổi. Theo chiến lược "sân nhỏ tường cao" của chính quyền Joe Biden, việc Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc sẽ tập trung vào các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, thiết kế chip, công nghệ lượng tử và chuỗi khối. Đáng chú ý là việc tách rời công nghệ của Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc đã đi từ kiểm soát công nghệ sang chuỗi cung ứng sản xuất và ứng dụng công nghệ mới nổi. Theo đó, Hoa Kỳ loại bỏ các yếu tố Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu về các công nghệ mới nổi, thực hiện các biện pháp "phi Trung Quốc hóa" trong chuỗi cung ứng.

Ở khía cạnh ứng dụng phần mềm:  Hoa Kỳ có khả năng mở rộng phạm vi tách rời các ứng dụng phần mềm khỏi Trung Quốc. Liên minh Mạng sạch (Clean Network) do Hoa Kỳ khởi xướng đã thành lập một liên minh kỹ thuật số để Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc ở cấp độ phần mềm. Hoa Kỳ có khả năng sử dụng Liên minh Mạng sạch để mở rộng phạm vi tách khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực phần mềm thiết kế công nghiệp EDA và phần mềm cơ sở dữ liệu. Ví dụ, phần lớn phần mềm thiết kế công nghiệp EDA hiện đang được sử dụng ở Trung Quốc là do các công ty công nghệ Mỹ cung cấp, nếu Hoa Kỳ hủy bỏ giấy phép sử dụng đối với các công ty Trung Quốc, điều đó sẽ gây trở ngại rất lớn cho các công ty Trung Quốc trong thời gian ngắn.

Ở khía cạnh hợp tác doanh nghiệp: Trở ngại đối với sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tương lai ngày càng tăng, có thể gây ra sự chia cắt hợp tác giữa các công ty công nghệ hai bên. Hiện tại, trở ngại trong hợp tác giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ chủ yếu đến từ sự kiểm duyệt chính trị, kinh tế và kỹ thuật của Hoa Kỳ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Hoa Kỳ đặt ra các ngưỡng tiếp cận thông qua "danh sách trừng phạt" và hạn chế có điều kiện hoạt động đầu tư và hợp tác của các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hoa Kỳ có xu hướng can thiệp vào hoạt động đầu tư và hợp tác của các công ty Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc. Trong vài năm tới, rào cản hợp tác giữa các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng lên, dẫn đến sự chia cắt hợp tác giữa các công ty công nghệ hai nước.

Ở khía cạnh cơ sở hạ tầng: Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng “Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” (B3W) của Hoa Kỳ coi các công ty mạng của Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính, từ chối hợp tác với các công ty viễn thông Trung Quốc trong việc triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và thúc đẩy "phi Trung Quốc hóa" trong triển khai thiết bị. Điều này sẽ dẫn đến sự khác biệt trong việc cài đặt, triển khai và thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Về lâu dài, việc tách rời cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu sẽ được hình thành. Nếu Hoa Kỳ kiên quyết thúc đẩy chiến lược "phi Trung Quốc hóa" trong quy hoạch cơ sở hạ tầng, thì điều đó sẽ càng khoét sâu thêm các vết nứt trong cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu.

Ở khía cạnh mạng truyền thông: Việc Hoa Kỳ triển khai 5G, 6G và Internet vệ tinh có thể hình thành thế phong tỏa mạng truyền thông đối với Trung Quốc. Do Hoa Kỳ đã mất lợi thế đi đầu trong việc triển khai 5G, khiến nước này ngày càng chú ý hơn đến việc phát triển và triển khai các mạng truyền thông mới nổi. Ví dụ đối với lĩnh vực 5G và 6G, trong "Đạo luật cạnh tranh Hoa Kỳ" đưa ra các yêu cầu như: Thúc đẩy công nghệ 5G cho O-RAN kiểu Mỹ; Thúc đẩy sự lãnh đạo không dây của Mỹ; Tẩy chay tiêu chuẩn 5G của Trung Quốc; Thúc đẩy Ủy ban Truyền thông Liên bang thành lập nhóm công tác 6G để đẩy nhanh nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn 6G Hoa Kỳ;.... Về Internet vệ tinh, SpaceX của Hoa Kỳ dự kiến phóng 42.000 vệ tinh trong dự án Starlink đang lấn át quỹ đạo vệ tinh tầm thấp của Trái đất, tạo thành thế phong tỏa truyền thông đối với Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ. Tóm lại, nếu Hoa Kỳ giành được vị trí dẫn đầu về 5G, 6G và Internet vệ tinh, thì nước này có thể tách khỏi Trung Quốc về mạng truyền thông.

Tài liệu tham Khảo

[1] https://www.newamerica.org/our-people/samm-sacks/

[2] https://www.europarl.europa.eu/thinktank/en/document/EPRS_BRI(2019)644187

[3] https://www.sec.gov/hfcaa

[4] https://www.congress.gov/bill/117th-congress/senate-bill/1260

[5] https://science.house.gov/chipsandscienceact

[6] https://uscode.house.gov/view.xhtml?path=/prelim@title50/chapter35&edition=prelim

[7] https://www.congress.gov/bill/117th-congress/senate-bill/1260

[8] https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_21_6433

[9] http://www.outlookchina.net/html/news/202210/12791.html

[10] https://nghiencuuquocte.org/2020/08/16/ngoai-giao-so-ly-thuyet-kinh-nghiem-quoc-te-ham-y-chinh-sach/#more-36619

[11] https://www.darpa.mil/work-with-us/electronics-resurgence-initiative)

[12] https://viettimes.vn/ha-vien-my-thong-qua-luat-canh-tranh-nham-vao-trung-quoc-post154140.html

[13] https://2017-2021.state.gov/the-clean-network/index.html

Trần Văn Liệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới