Chiến lược tách rời công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc (phần I)
Bên trong, Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào R&D công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực công nghệ mới nổi để duy trì lợi thế công nghệ. Bên ngoài, Hoa Kỳ coi trọng việc liên minh công nghệ theo phương châm "phi Trung Quốc hóa", sử dụng sức mạnh của các đồng minh, đối tác để kiểm soát và cân bằng sự phát triển của Trung Quốc; điều chỉnh chiến lược của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và công nghệ để tìm kiếm cân bằng chiến lược; thông qua chính sách "sân nhỏ tường cao" để đạt được hiệu quả trừng phạt; (Ý tưởng do Sam. Sachs, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chính sách NewAmerica đề xuất, theo đó chính phủ Hoa Kỳ cần xác định các công nghệ và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể cốt lõi liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia (các sân nhỏ), áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn và tích cực hơn, đồng thời vạch ra các ranh giới chiến lược thích hợp (các bức tường cao); các lĩnh vực công nghệ khác ngoài "sân nhỏ" có thể được mở cửa cho đối thủ).
“Tách rời công nghệ” đang trở thành một hiện tượng mới trong quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới. Hiện tại, Hoa Kỳ thực hiện chính sách tách rời toàn diện về khoa học và công nghệ đối với Trung Quốc. Việc tách rời công nghệ là đặc điểm chính trong cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, có tác động lớn đến thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam.
Tách rời công nghệ có thể được hiểu là: Hạn chế hoặc ngăn cản đầu tư và thương mại xuyên biên giới vào các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao. Công nghệ cao là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu, nó không chỉ là một ngành công nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế, có tác động sâu sắc đến mô hình sản xuất và tiêu dùng của các nước trên thế giới. Trong các ngành của nền kinh tế toàn cầu, vốn hóa thị trường chứng khoán cao nhất là các công ty công nghệ, chẳng hạn như Alphabet, Amazon, Apple, Metaverse và Microsoft (Hoa Kỳ), Alibaba và Tencent (Trung Quốc). Các nhà cung cấp phần mềm là những công ty tăng trưởng nhanh về giá trị chỉ sau các công ty công nghệ cao, bao gồm công ty cung cấp công nghệ lưu trữ đám mây, công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng, công ty truyền thông....
Một đặc điểm nổi bật của ngành công nghiệp công nghệ cao là sự phụ thuộc nhiều vào thương mại xuyên biên giới. Ví dụ, ngành điện tử có tỷ trọng giá trị gia tăng nước ngoài cao hơn đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu so với các ngành khác, khiến nó gắn kết chặt chẽ hơn với ngoại thương và nhạy cảm hơn với việc tách rời. Theo quan điểm này, các rào cản thương mại thuế quan hoặc phi thuế quan trong lĩnh vực công nghệ cao có thể tác động lớn đến chuỗi công nghiệp toàn cầu. Trong lĩnh vực công nghệ cao, quy mô kinh tế có thể dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, "người thắng có tất cả", vì vậy sự cạnh tranh giữa các quốc gia để giành vị trí dẫn đầu công nghệ đặc biệt khốc liệt và kiểu cạnh tranh này có thể khiến cuộc chiến công nghệ phát triển thành cuộc chiến thương mại.
Số hóa và kết nối mạng có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa làm tăng các rủi ro bảo mật. Trước đây, các mối quan tâm về an ninh quốc gia thường khác với các mối quan tâm về kinh tế. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, kinh tế, thương mại và an ninh đan xen lẫn nhau, do đó sự tách rời công nghệ được thúc đẩy bởi cả động cơ kinh tế và động cơ chính trị.
Hình thành chính sách tách rời công nghệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc
Mối quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong việc tách rời công nghệ khỏi Trung Quốc bắt đầu từ cuối nhiệm kỳ thứ 2 của tổng thống Obama. Giới hoạch định chính sách Hoa Kỳ và dư luận trong nước cho rằng chính sách Trung Quốc của chính quyền Obama quá mềm mỏng, do đó, Obama đã điều chỉnh chính sách với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn trong hai năm cuối của nhiệm kỳ thứ hai. Sau khi tổng tống Donald Trump lên nắm quyền, Hoa Kỳ bắt đầu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của mình. Khi công nghệ trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các quốc gia, việc ngăn cản sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc được chính phủ Hoa Kỳ đưa vào chương trình nghị sự.
Sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao khiến Hoa Kỳ cảm thấy bị đe dọa. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xếp hạng thế giới của Trung Quốc về nghiên cứu học thuật, bằng sáng chế, đầu tư, lực lượng lao động và số lượng phần cứng đã đứng thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ. Không chỉ vậy, các gã khổng lồ công nghệ cao như Huawei và Alibaba đã nổi lên ở Trung Quốc. Trong các lĩnh vực như viễn thông 5G, thiết bị di động, máy bay không người lái thương mại, đường sắt cao tốc, tua-bin gió, siêu máy tính, điện toán lượng tử, phương tiện phóng vũ trụ, màn hình tinh thể lỏng, một số sản phẩm công nghiệp và nghiên cứu của các công ty Trung Quốc đã đạt đến trình độ tiên tiến thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cạnh tranh dẫn đầu quốc tế về xuất bản các bài báo khoa học và công nghệ. Từ năm 2005 đến 2018, số lượng nộp bài từ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học công nghiệp, công nghệ nano, vi điện tử, quang điện tử, vật liệu mới, sản xuất tiên tiến, kinh tế sinh học, năng lượng tái tạo xếp trong nhóm hàng đầu thế giới, thu hẹp đáng kể khoảng cách với Hoa Kỳ và 27 quốc gia EU.
Hoa Kỳ cho rằng sở dĩ khoa học và công nghệ của Trung Quốc đạt được đà phát triển to lớn như vậy chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ đối với R&D công nghệ cao. Hoa Kỳ rất chú ý đến chiến lược "Made in China 2025", đặc biệt là việc chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài, đầu tư cổ phần và đầu tư vốn mạo hiểm,... nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khởi xướng việc tách rời công nghệ khỏi Trung Quốc và được chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục. Cho đến nay, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ đã đạt được sự đồng thuận trong việc thực hiện chính sách tách rời công nghệ đối với Trung Quốc. Quyết định của chính quyền Tổng thống Donal Trump vào tháng 5/2020 nhằm ngăn chặn Huawei sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ để thiết kế hoặc sản xuất chip bán dẫn được coi là điểm khởi đầu cho việc tách rời công nghệ. Do công nghệ gắn bó chặt chẽ với các hoạt động kinh doanh nên việc tách rời công nghệ sẽ hạn chế rất nhiều sự tương tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với việc tách rời công nghệ Trung Quốc
Các biện pháp tách rời của Hoa Kỳ có thể được chia thành hai loại là các biện pháp “đàn áp” (hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc thông qua các biện pháp như hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm và dịch vụ Trung Quốc) và các biện pháp “tự cường” (tăng cường sức mạnh khoa học và công nghệ của chính Hoa Kỳ thông qua hỗ trợ của chính phủ cho R&D khoa học và công nghệ), đồng thời thông qua điều phối chính sách và hợp tác với các nước đồng minh, đối tác để cùng đạt được mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, bảo vệ vai trò lãnh đạo công nghệ toàn cầu của Hoa Kỳ.
Trong thời gian cầm quyền của ông Donal Trump, Hoa Kỳ tập trung chính vào các biện pháp "đàn áp". Khi thực hiện các biện pháp “đàn áp”, ngoài việc căn cứ vào một số quy định pháp luật hiện hành, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn ban hành các luật và quy định mới để áp đặt nhiều hạn chế đối với Trung Quốc trên diện rộng. Ví dụ Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu (ECRA) năm 2018, tuyên bố rằng an ninh quốc gia của Hoa Kỳ "đòi hỏi Hoa Kỳ duy trì vị trí dẫn đầu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và sản xuất, bao gồm các công nghệ nền tảng quan trọng đối với sự đổi mới". Đạo luật cũng kêu gọi nỗ lực xác định và kiểm soát các công nghệ nền tảng và mới nổi quan trọng đối với an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn Trung Quốc có được công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ. Các biện pháp "đàn áp" của Hoa Kỳ có phạm vi rộng, trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư, giấy phép viễn thông và cấp phép thiết bị, hạn chế thị thực, hạn chế xuất khẩu, trừng phạt tài chính, quy tắc giao dịch công nghệ, hạn chế mua sắm và chi tiêu của chính phủ liên bang, các hành động cưỡng chế. Cụ thể:
Về kiểm soát xuất khẩu: Bộ Thương mại Hoa Kỳ quản lý theo “Quy định quản lý xuất khẩu” (thông qua năm 2020), có phần quan trọng là Danh sách kiểm soát thương mại. Các hạn chế liên quan đến xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao là một số phần mềm, công nghệ và thiết bị sản xuất được sử dụng để thiết kế và sản xuất chất bán dẫn cần có giấy phép của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trước khi chúng có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc luôn là tâm điểm của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, số lượng mặt hàng liên quan đến Trung Quốc đã tăng từ 130 (năm 2018) lên 532 (tháng 3/2022) và tỷ trọng trong tổng số mặt hàng kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ đã tăng từ 14% lên 29%. Có hai loại sản phẩm nước ngoài cũng phải tuân theo "Quy định quản lý xuất khẩu" và chúng không được phép xuất khẩu cho các công ty trong Danh sách thực thể mà không có giấy phép của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đó là những sản phẩm chứa hơn 25% công nghệ Hoa Kỳ và những sản phẩm mặc dù không chứa bất kỳ công nghệ Hoa Kỳ, nhưng được cho là đã được thiết kế hoặc sản xuất với sự trợ giúp của công nghệ Hoa Kỳ. Điều này tạo cơ sở để Hoa Kỳ thực hiện "quyền tài phán cánh tay dài". Ví dụ, tháng 12/2020, Hoa Kỳ đã đưa "SMIC" vào "Danh sách thực thể" của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hạn chế ngoại thương, yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Hoa Kỳ chỉ bán thiết bị sản xuất chip cho SMIC khi được chính phủ cho phép.
Về hạn chế đầu tư: Cơ quan quản lý chính là Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States - CFIUS). Ban đầu, Ủy ban chỉ xem xét các giao dịch sẽ trao cho người nước ngoài quyền kiểm soát các doanh nghiệp có hoạt động tại Hoa Kỳ. Nhưng “Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài” (FIRRMA, có hiệu lực vào tháng 8/2018), đã mở rộng quyền hạn của Ủy ban này, giúp Ủy ban có thể ngăn chặn giao dịch không kiểm soát trong đó nhà đầu tư nước ngoài có quyền lấy thông tin quan trọng hoặc ảnh hưởng đến việc ra quyết định của công ty.
Về đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ: “Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài” (HFCAA, thông qua vào tháng 12/2020), yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (U.S. Securities and Exchange Commission) hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ các công ty giao dịch không đáp ứng yêu cầu kiểm tra của Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) trong ba năm liên tiếp. Tính đến tháng 5/2022, có 139 cổ phiếu của Trung Quốc đã được đưa vào danh sách “dự kiến hủy niêm yết".
Về cấp phép viễn thông và ủy quyền thiết bị: Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (Federal Communications Commission - FCC) phụ trách kiểm soát các thực thể kinh doanh Trung Quốc mà dễ bị chính phủ Trung Quốc sử dụng, gây ảnh hưởng và kiểm soát. Dựa trên tiêu chuẩn này, Ủy ban đã từ chối đơn xin cấp giấy phép của China Mobile và thu hồi giấy phép của các công ty Trung Quốc như China Telecom và China Unicom. Ngoài ra, Ủy ban cũng từ chối phê duyệt Hệ thống mạng cáp quang Thái Bình Dương của Trung Quốc hợp tác với Google và Facebook để đặt cáp ngầm giữa Hồng Kông và Los Angeles và một dự án khác của Facebook, Amazon và China Mobile để xây dựng tuyến cáp từ Mỹ đến Hong Kong. FCC cũng quy định thiết bị tần số vô tuyến, bao gồm gần như tất cả các sản phẩm điện và điện tử được bán cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua "Đạo luật mạng truyền thông an toàn và tin cậy" (Secure and Trusted Communications Networks Act, năm 2019), 5 công ty bị luật này cấm đều là công ty Trung Quốc.
Về hạn chế thị thực: Tháng 5/2020, Hoa Kỳ đã đình chỉ nhập cảnh các sinh viên và nghiên cứu sinh có liên hệ với “các thực thể thực hiện hoặc hỗ trợ chiến lược phối hợp quân sự - dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Chính sách này cho đến nay đã dẫn đến việc thu hồi hoặc từ chối hàng nghìn thị thực đối với sinh viên, nghiêu cứu sinh Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Về hạn chế nhập khẩu: Năm 2018, Hoa Kỳ đã áp thuế 10%-25% đối với khoảng 360 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Mức thuế quan đã được áp dụng vẫn không thay đổi cho đến nay.
Về quy tắc giao dịch kỹ thuật: Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sử dụng “Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế” (International Emergency Economic Powers Act) để hạn chế quyền hạn "giao dịch", đưa ra một danh sách các công ty liên quan đến công nghiệp - quân sự của Trung Quốc. Ví dụ, vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã liệt kê 20 công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Hikvision và Huawei, vào danh sách các công ty "có liên quan đến quân đội Trung Quốc". Một trong những nỗ lực khác của ông Donal Trump là áp "lệnh cấm ứng dụng" đối với TikTok và WeChat, đồng thời cố gắng cấm Alipay, Tencent QQ và 6 ứng dụng khác của Trung Quốc. Ông Donald Trump tuyên bố: "Việc truy cập hoặc sử dụng không hạn chế ở Hoa Kỳ công nghệ ICT hoặc các dịch vụ liên quan đến “đối thủ nước ngoài” sẽ tạo nên tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, các biện pháp ngăn chặn và tách rời quy mô lớn của Hoa Kỳ đối với công nghệ Trung Quốc không chỉ giới hạn trong các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ và sản phẩm, mà là tổng thể các biện pháp liên tục, toàn diện và tiếp tục tăng.
Tài liệu tham Khảo [1] https://www.newamerica.org/our-people/samm-sacks/ [2] https://www.europarl.europa.eu/thinktank/en/document/EPRS_BRI(2019)644187 [3] https://www.sec.gov/hfcaa [4] https://www.congress.gov/bill/117th-congress/senate-bill/1260 [5] https://science.house.gov/chipsandscienceact [6] https://uscode.house.gov/view.xhtml?path=/prelim@title50/chapter35&edition=prelim [7] https://www.congress.gov/bill/117th-congress/senate-bill/1260 [8] https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_21_6433 [9] http://www.outlookchina.net/html/news/202210/12791.html [11] https://www.darpa.mil/work-with-us/electronics-resurgence-initiative) [12] https://viettimes.vn/ha-vien-my-thong-qua-luat-canh-tranh-nham-vao-trung-quoc-post154140.html [13] https://2017-2021.state.gov/the-clean-network/index.html |
Trần Văn Liệu