Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm VPCP, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; Các tổ chức, doanh nghiệp, trường học liên quan đến lĩnh vực CNTT-TT trong và ngoài nước.
Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Hà Thị Nga, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ; Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của tỉnh Lào Cai.
Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT giữa các Ban, Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hội thảo cũng là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị; tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Trong một thành phố thông minh, hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền đóng vai trò chủ đạo. Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng CNTT-TT trong mọi hoạt động, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc hình thành một thành phố thông minh sẽ trải qua nhiều giai đoạn, phải thỏa mãn nhiều yếu tố khác nhau và được cấu thành bởi nhiều hợp phần. Mỗi thành phố có những điều kiện tự nhiên và nguồn lực khác nhau, nên cần có chiến lược, kế hoạch phát triển riêng, nhằm ưu tiên và tập trung vào một số lĩnh vực.
Đặt vấn đề phát triển Chính quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh trong xu thế của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Các nước đang phát triển như Việt Nam không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Cần tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của CMCN 4.0.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh chiến lược và kế hoạch xây dựng thành phố thông minh cần được xem xét chặt chẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, tránh đầu tư tràn lan các hệ thống thông tin, hoặc quá chú trọng vào ứng dụng CNTT-TT mà coi nhẹ những vấn đề cơ bản khác của một thành phố.
Trong tham luận về việc Triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, nếu các địa phương tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 36a, thì sẽ đạt được bước tiến rất quan trọng xây dựng Chính quyền điện tử.
Hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành đã liên thông hệ thống văn bản điện tử với VPCP; gần 70 bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ. VPCP đang xây dựng tiêu chí cụ thể về công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, nếu công khai tốt thì sẽ góp phần tích cực cải cách hành chính. Phó Chủ nhiệm VPCP đề nghị các địa phương tích cực triển khai các ứng dụng này.
Tại hội thảo, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cũng cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh hiệu quả, Việt Nam cần sớm thống nhất tiêu chí về đô thị thông minh, để tránh sự không đồng nhất giữa các nơi. Ngoài ra, cần có tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ sở nền tảng cũ.
Chính quyền điện tử là xu thế tất yếu và đang được triển khai mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Bộ TT&TT đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 áp dụng trên toàn quốc.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế tại nước ta còn gặp nhiều khó khăn, do Khung kiến trúc hiện tại mới là mô hình tổng thể, chưa làm rõ cách thức triển khai cụ thể về các yếu tố như xây dựng kiến trúc và nguồn lực, quy chuẩn dịch vụ mạng và dịch vụ dùng chung; chưa có đặc tả tiêu chuẩn kỹ thuật cho dịch vụ chia sẻ....
Hội thảo quốc tế Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam diễn ra với một phiên toàn thể (buổi sáng) và hai Phân ban, một Hội nghị chuyên đề (diễn ra cùng thời điểm vào buổi chiều).
Tại phiên khai mạc toàn thể, 6 tham luận đề cập tới vấn đề phát triển Chính quyền điện tử được trình bày với các chủ đề: Dịch chuyển số đối với chính quyền điện tử; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng Chính quyền điện tử; Công nghệ thông tin trong xây dựng Chính quyền điện tử; Giải pháp truyền thông trong xây dựng chính quyền điện tử và phát triển kinh tế….
Buổi chiều đã diễn ra hai phân ban và hội nghị chuyên đề gồm:
Phân ban thứ nhất với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, an toàn an ninh thông tin” do ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục tin học hoá, Bộ TT&TT và ông Hồ Khánh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lào Cai chủ trì. Phân ban thứ hai với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0” do ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chủ trì. Hội nghị chuyên đề về “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai và trao đổi các nội dung hướng dẫn thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước” do ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT chủ trì.
Tại mỗi Phân ban và Hội nghị chuyên đề đều diễn ra các phiên Toạ đàm, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra như: Kinh nghiệm trong việc triển khai thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80? Tiêu chí đánh giá và công nhận đô thị thông minh?... đều được chủ trì và các diễn giả giải đáp đầy đủ.
Bên lề Hội thảo là chuỗi các sự kiện như: Triển lãm Trưng bày sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin – truyền thông năm 2017, thu hút sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài nước; Triển lãm tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”….
Cuối Hội thảo Ban tổ chức đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ XXII năm 2018 cho đại diện Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.