Cơ yếu Ngoại giao 50 năm đảm bảo duy trì mạng liên lạc mật

15:00 | 21/08/2019 | AN NINH – QUỐC PHÒNG
Nhiệm vụ chính của “người chiến sĩ” Cơ yếu Ngoại giao là “bảo đảm duy trì mạng liên lạc mật giữa cơ quan ngoại giao trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”. Theo đó, cán bộ Cơ yếu Ngoại giao vừa bảo đảm yêu cầu truyền thông mật phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; vừa phải đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ theo đặc thù của ngành Ngoại giao.

Cách đây tròn nửa thế kỷ, khi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở vào những thời khắc quan trọng, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cơ yếu trong ngành Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định số 235/QĐ ngày 22/8/1969 về việc Thành lập Phòng điện báo (tên giao dịch là Phòng 7) và đến năm 1996 thì được chuyển thành Phòng Cơ yếu bộ Ngoại giao. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của Hệ Cơ yếu Ngoại giao (CYNG).

Phó Thủ tướng, Bổ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu tham dự buổi Cục cơ yếu Ngoại giao đón nhận Huân Chương Độc lập hạng Nhất

Gắn liền với thắng lợi chung của đất nước và ngành Ngoại giao đều có những đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của những người làm cơ yếu. Các cán bộ CYNG đã phục vụ trực tiếp Hội nghị Paris năm 1973; cùng với cơ yếu cả nước chuyển tải những thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc. Ngoài ra, đội ngũ CYNG còn tham gia làm tốt các nghĩa vụ quốc tế.

Nhiệm vụ “đảm bảo duy trì mạng liên lạc mật giữa các cơ quan ngoại giao trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” của “người chiến sĩ” CYNG gặp không ít khó khăn do đặc thù của Ngành. Ngoài yếu tố khó khăn về địa lý, về cơ sở vật chất thì vẫn còn có những khó khăn về sự thông suốt, tính liên tục và yêu cầu bảo mật. Do địa bàn hoạt động rộng, trải khắp các châu lục, môi trường phức tạp, thường xuyên phải đối phó với các lực lượng luôn tìm cách chống phá, đối phương sử dụng kỹ thuật hiện đại để thu tin “mã thám”, tìm cách khám phá bí mật mật mã và đánh cắp thông tin mật của Việt Nam.

Buổi tọa đàm nhân dịp 50 năm ngày truyền thống Cơ yếu Ngoại giao

Trước các yêu cầu của công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế và trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 132/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về việc “Thành lập Cục Cơ yếu thuộc Bộ Ngoại giao trên cơ sở Phòng Cơ yếu thuộc Bộ Ngoại giao”, trở thành một trong bốn Cục đầu Hệ của Ngành Cơ yếu Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của CYNG, thể hiện sự quan tâm, tin cậy của Đảng, Chính phủ, của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, đồng thời cũng là trọng trách lớn đối với CYNG trong giai đoạn mới.

Sau khi thành lập, Cục CYNG đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung của ngành Ngoại giao, điển hình như: Chuỗi sự kiện Việt Nam đàm phán gia nhập WTO năm 2006, đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch Hiệp hội ASEAN năm 2010 và năm 2020; Tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng tại Việt Nam; Đón nhiều vị lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc; Đồng thời đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nhân viên CYNG ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cục Cơ yếu đang tích cực tham gia triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành của Bộ Ngoại giao, xây dựng các giải pháp hướng tới phát triển hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng dịch vụ công, chia sẻ tri thức, vừa đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn và an ninh thông tin.

Những đóng góp của CYNG trong suốt nửa thế kỷ qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2009), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2014).

Để tiếp tục phát huy truyền thống đáng tự hào nảy, trong thời gian tới, Cục CYNG sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng lực lượng CYNG chính quy, hiện đại, cụ thể như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trau dồi trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, đất nước để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao và mang đặc trưng của CYNG; Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ để kịp thời tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ những biện pháp đảm bảo bí mật, an toàn và thông suốt cho toàn bộ hệ thống mạng liên lạc CYNG và hệ thống thông tin chính phủ điện tử trong Bộ Ngoại giao.

Nguyễn Văn Tiến

Tin cùng chuyên mục

Tin mới