Những điểm mới về Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong Nghị định số 130/2018/NĐ-CP
Ngày 27/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (sau đây gọi tắt là Nghị định 130). Nghị định này thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Chính phủ.
Theo Nghị định 130, các hoạt động cung cấp, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được quy định một chương riêng (Chương VII) để phản ánh những kết quả quan trọng trong thực tiễn triển khai và đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Luật Cơ yếu, Luật tổ chức Chính phủ, Luật an toàn thông tin mạng….
Trên cơ sở các nguyên tắc:
- Đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về giao dịch điện tử, chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số và hệ thống pháp luật về Cơ yếu;
- Đảm bảo về phạm vi, quy mô, tính chất đặc thù của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
- Đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước trước đòi hỏi của thực tiễn công tác quản lý, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
- Kế thừa các quy định phù hợp trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, bổ sung các nội dung mới để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Trong Nghị định 130, Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được quy định tại Chương VII: Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, bao gồm 20 Điều (từ Điều 55 đến Điều 74), trong đó có một số điểm mới như sau:
1. Quy định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ: Tại Điều 55 và 56 của Nghị định 130 đã quy định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các dịch vụ được cung cấp của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước trước đòi hỏi của thực tiễn công tác quản lý, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
2. Sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ: Tại Điều 57 quy định, “Các loại hình giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước nếu áp dụng chữ ký số thì sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp”. Quy định này tạo sự thống nhất trong quản lý, sử dụng chứng thư số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Theo đó, các cơ quan Đảng, Nhà nước khi đang sử dụng chữ ký số công cộng thì sẽ có kế hoạch chuyển đổi toàn bộ sang sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
3. Quy định thời hạn hiệu lực của chứng thư số: Chứng thư số của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước được quy định thời hạn có hiệu lực là 10 năm (quy định cũ là 20 năm); Chứng thư số của thuê bao cấp mới thời hạn có hiệu lực tối đa là 05 năm (cũ là 10 năm) và đối với chứng thư số gia hạn, thời hạn có hiệu lực được gia hạn tối đa là 3 năm (cũ là 5 năm). Quy định này đảm bảo sự hợp lý và phù hợp với thực tiễn về công tác cán bộ và sự phát triển của khoa học công nghệ (quy định tại Điều 59 của Nghị định 130).
4. Quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi, khôi phục và quản lý thiết bị lưu khóa bí mật: Trên cơ sở kế thừa các quy định phù hợp trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trước đây đang được thực hiện ổn định, Nghị định 130 đã quy định các yêu cầu chứng thực chỉ cần có xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp và gửi đến Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để đáp ứng, qua đó giảm thiểu tối đa các khâu trung gian trong quá trình quản lý, cung cấp và sử dụng chứng thư số.
5. Thay đổi thông tin chứng thư số: Quy định về điều kiện, trình tự thủ tục thay đổi nội dung chứng thư số. Đây là những quy định mới được bổ sung so với các văn bản quy phạm pháp luật cũ để phù hợp với thực tiễn. Thời gian vừa qua cho thấy, việc thay đổi vị trí công tác, thay đổi thông tin về địa chỉ thư điện tử, thay đổi chức danh nhà nước, đổi tên… tại các cơ quan, tổ chức thường xuyên xảy ra, nên cần có các quy định về thay đổi nội dung chứng thư số để không làm gián đoạn các giao dịch điện tử và giảm thiểu các quy trình, thủ tục hành chính không cần thiết.
Hoàng Hằng