30 năm Trung Quốc xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý Internet (Phần I)
NHỮNG NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ INTERNET THEO PHÁP LUẬT CỦA TRUNG QUỐC
- Lấy con người làm trung tâm: Việc xây dựng pháp luật quản lý Internet của Trung Quốc khẳng định vị trí trung tâm của người dân, tập trung trí tuệ và sức mạnh của đại đa số nhân dân; phản ánh mong muốn của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
- Thúc đẩy sự phát triển của Internet: Bản chất của việc quản lý Internet theo pháp luật là đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh và có trật tự của Internet, chứ không phải hạn chế sự phát triển của Internet. Trung Quốc lấy thượng tôn pháp luật làm nguyên tắc cơ bản, hoàn thiện hệ thống quản trị nền kinh tế số, nâng cao mức độ luật hóa trong xây dựng chính phủ số; định hướng, tiêu chuẩn hóa và đảm bảo phát triển chất lượng cao trong xây dựng Trung Quốc số.
- Xây dựng pháp luật căn cứ vào điều kiện đất nước: Việc xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý Internet dựa trên thực tế Trung Quốc là nước đang phát triển, có số lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, có nhiều chủ thể pháp lý, các mối quan hệ pháp lý đa dạng và các tình huống áp dụng pháp luật luôn thay đổi. Do đó, cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển và an ninh, giữa tự do và trật tự, giữa mở cửa và tự chủ, giữa quản lý và phục vụ.
- Đổi mới và sáng tạo: Thường xuyên đổi mới quan niệm, nội dung, phương pháp, cách thức trong việc xây dựng pháp luật quản lý Internet; không ngừng xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến các lĩnh vực công nghệ mới.
- Hợp tác quốc tế: Trung Quốc đặt mình trong bối cảnh phát triển của Internet toàn cầu; hình thành mô hình quản trị Internet mang đặc sắc Trung Quốc phù hợp với thông lệ quốc tế; tích cực tham gia xây dựng luật lệ quốc tế trong không gian mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về không gian mạng để cùng thiết lập hệ thống quản trị Internet toàn cầu đa phương, dân chủ và minh bạch.
TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ INTERNET
Sự phát triển Internet ở Trung Quốc chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên (từ 1994 đến 1999) là giai đoạn tiếp cận Internet. Pháp luật về Internet ở giai đoạn này chủ yếu tập trung vào an ninh hạ tầng mạng. Giai đoạn thứ hai (từ 2000 đến 2011) là giai đoạn máy tính để bàn kết nối Internet. Ở giai đoạn này, pháp luật về Internet chuyển sang tập trung vào quản lý dịch vụ mạng và quản lý nội dung. Giai đoạn thứ ba (từ 2012 đến nay) là giai đoạn Internet di động. Ở giai đoạn này, pháp luật về Internet có xu hướng bao trùm tất cả các lĩnh vực và các dịch vụ, bảo vệ toàn diện không gian mạng. Trong 30 năm, Trung Quốc ban hành hơn 140 văn bản luật và quy định liên quan lĩnh vực Internet, là cơ sở quan trọng để nước này phát triển thành cường quốc không gian mạng.
Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích người dùng trên Internet
- Bảo đảm quyền tự do và bí mật thư tín: “Các biện pháp quản lý bảo vệ an ninh mạng thông tin máy tính” (năm 1997) cụ thể hóa quy định của hiến pháp về quyền tự do thông tin và quyền riêng tư thư tín. “Quy định về viễn thông” (năm 2000) quy định quyền được tự do thông tin và bí mật thư tín của người dùng viễn thông. “Quy định quản lý vô tuyến điện sửa đổi” (năm 2016) tăng cường hơn nữa việc bảo vệ bí mật thông tin liên lạc trong lĩnh vực vô tuyến điện.
- Bảo vệ thông tin cá nhân: Năm 2020, Trung Quốc thông qua “Bộ luật Dân sự sửa đổi”, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trong lĩnh vực dân sự đã được xây dựng một cách có hệ thống. Năm 2009 và 2015, “Bộ luật Hình sự sửa đổi” được thông qua, quy định tội hình sự về xâm phạm thông tin cá nhân. Trong luật chuyên ngành Internet, “Luật An ninh mạng 2016” hoàn thiện hơn nữa các quy tắc bảo vệ thông tin cá nhân. “Luật bảo vệ thông tin cá nhân 2021” cụ thể các nguyên tắc bảo vệ và và quy tắc xử lý thông tin cá nhân.
- Bảo vệ an toàn tài sản của công dân: “Luật Thương mại điện tử 2018” quy định hàng hóa được bán hoặc dịch vụ được cung cấp bởi các nhà khai thác thương mại điện tử phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn riêng tư và tài sản. “Bộ luật Dân sự” quy định, người nào sử dụng Internet xâm phạm quyền sở hữu của người khác thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng. “Luật chống gian lận mạng viễn thông 2022” đã cụ thể hóa để chống lại các hoạt động lừa đảo mạng viễn thông, bảo vệ hiệu quả quyền tài sản của người dân.
- Bảo vệ quyền lợi kỹ thuật số của các nhóm đặc biệt: Thông qua pháp luật, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số đối với các nhóm đặc biệt (trẻ vị thành niên, người già, nhóm người khuyết tật,...) cho phép họ hội nhập rộng rãi và bình đẳng hơn vào xã hội kỹ thuật số, thụ hưởng lợi ích của thời đại kỹ thuật số. “Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em trên Internet” (năm 2019) tập trung vào việc bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em. “Luật Bảo vệ người chưa thành niên sửa đổi” (năm 2020) đưa ra các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ vị thành niên trên Internet. “Luật bảo mật dữ liệu 2021” yêu cầu việc cung cấp các dịch vụ công thông minh phải xem xét đầy đủ nhu cầu của người cao tuổi và người khuyết tật.
Hoàn thiện các quy tắc pháp lý của nền kinh tế số
- Thúc đẩy xây dựng hệ thống dữ liệu: Chú ý đến vai trò của dữ liệu như một nguồn tài nguyên cơ bản và một động cơ của đổi mới đất nước, “Luật bảo mật dữ liệu” đưa ra quy định về thực hiện chiến lược dữ liệu lớn, hỗ trợ hoạt động R&D (Research and Development) liên quan đến dữ liệu và đổi mới kinh doanh, thúc đẩy xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến dữ liệu, phát triển thị trường giao dịch dữ liệu, nâng cao trình độ sử dụng dữ liệu, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số với dữ liệu là yếu tố then chốt.
- Hệ thống vận hành thị trường số: “Luật Thương mại điện tử” quy định toàn diện về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; làm rõ trách nhiệm của đơn vị vận hành nền tảng thương mại điện tử; yêu cầu các nhà kinh doanh thương mại điện tử lớn không được lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để loại bỏ hoặc hạn chế cạnh tranh. “Luật Bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng sửa đổi” (năm 2013) tăng cường trách nhiệm của các nhà mạng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh sửa đổi” (năm 2017) bổ sung điều khoản về Internet, nghiêm cấm sử dụng các phương tiện công nghệ để cạnh tranh không lành mạnh. “Các biện pháp giám sát và quản lý giao dịch trực tuyến” (năm 2021) hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy định về giao dịch trực tuyến. “Hướng dẫn chống độc quyền của Ủy ban chống độc quyền Chính phủ lĩnh vực kinh tế nền tảng” (năm 2021) tăng cường giám sát chống độc quyền. “Luật chống độc quyền sửa đổi” (năm 2022) quy định các nhà khai thác không được sử dụng dữ liệu và thuật toán, công nghệ, lợi thế về vốn và quy tắc nền tảng để tham gia vào các hành vi độc quyền.
- Chuẩn hóa các mô hình mới của nền kinh tế số: Sự xuất hiện nhanh chóng của các mô hình kinh tế số mang lại động lực và tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới đối với quản trị xã hội và phát triển công nghiệp. “Bộ luật Dân sự” cải thiện các quy tắc hình thành và thực hiện hợp đồng điện tử, đưa dữ liệu và tài sản ảo vào phạm vi bảo vệ của pháp luật. Các quy định liên quan đến các công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới được quan tâm bổ sung cơ sở pháp lý như: “Biện pháp tạm thời để quản lý dịch vụ kinh doanh đặt xe taxi trực tuyến”, “Quy định về quản lý dịch vụ thông tin chuỗi khối”, “Quy định tạm thời về quản lý dịch vụ điều hành du lịch trực tuyến”,...
Vạch lằn ranh đỏ pháp lý về an ninh mạng
- Thiết lập các quy tắc an ninh, an toàn thông tin: “Luật An ninh mạng 2016” quy định cụ thể về các phương diện cần bảo đảm an ninh, an toàn thông tin như: an ninh vận hành Internet, an ninh sản phẩm, dịch vụ Internet, an ninh dữ liệu Internet, an ninh thông tin Internet. “Các biện pháp rà soát an ninh mạng” và “Quy định quản lý lỗ hổng bảo mật sản phẩm mạng” tiếp tục hoàn thiện các quy định trong “Luật An ninh mạng”.
- Đảm bảo an ninh cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng: “Quy định bảo vệ an ninh cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” (năm 2021) làm rõ phạm vi của cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, các nguyên tắc và mục tiêu của công tác bảo vệ; quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng; thành lập các cơ quan quản lý an ninh đặc biệt; thực hiện giám sát an ninh và đánh giá rủi ro, tiêu chuẩn hóa các hoạt động mua sắm sản phẩm và dịch vụ mạng.
- Quản lý an ninh dữ liệu: “Luật bảo mật dữ liệu” thiết lập cơ chế phân loại dữ liệu và bảo vệ theo cấp độ, giám sát rủi ro, cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp, đánh giá bảo mật dữ liệu; đưa ra quy định thúc đẩy các giải pháp phát triển kết hợp với an ninh dữ liệu. Cải thiện các tiêu chuẩn quản trị hệ sinh thái Internet - Chuẩn hóa trình tự phổ biến thông tin mạng: Ban hành các luật và quy định như “Bộ luật Dân sự”, “Luật An ninh mạng”, “Các biện pháp quản lý dịch vụ thông tin Internet”,... quy định về quảng bá nội dung thông tin Internet và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý các thông tin trái pháp luật. - Tăng cường chống khủng bố mạng: Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự và Luật Chống rửa tiền quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm khủng bố, giám sát các quỹ liên quan đến khủng bố. “Luật Chống khủng bố 2015” quy định cụ thể về đối tượng, biện pháp và cơ chế chống khủng bố mạng.
Trần Văn Liệu, Bộ Công an