Phát huy tính tiên phong của lực lượng cơ yếu Đồng Nai trong giai đoạn mới

08:00 | 24/05/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua tỉnh Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, việc mất an toàn thông tin, để lộ thông tin bí mật nhà nước tại một số các cơ quan, đơn vị trọng yếu có chiều hướng gia tăng; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động gián điệp, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo vào việc thu tin, mã thám, đánh cắp thông tin, gây mất an toàn, an ninh thông tin; cài cắm, móc nối, mua chuộc với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và nghiêm trọng.

Điều đó đặt ra những thách thức và yêu cầu cao đối với nhiệm vụ bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin; đòi hỏi lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải phát huy tính tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hoạt động của lực lượng vũ trang, tích cực tham gia vào công tác chuyển đổi số toàn diện của tỉnh giai đoạn mới.

Công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin là “mạch nguồn” trong chuyển đổi số

Trong di sản tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật thông tin cơ mật trọng yếu chiếm một vị trí quan trọng. Người nói: "Trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại" "Mật mã là một công tác cơ mật quan trọng, vẻ vang… Các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa"… Người cũng đã xác định nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu là phải bảo đảm "chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác" (trong Chỉ thị thành lập Ban Mật mã quân sự - tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc giữa Ban Cơ yếu Chính phủ với Tỉnh uỷ Đồng Nai về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, công cuộc chuyển đổi số, công tác triển khai, ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng được đẩy mạnh. Lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác bảo mật, an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức sử dụng cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin trong mọi tình huống.

Thời gian qua, Tỉnh ủy đã đặc biệt lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-CP tại địa phương. Các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động đối với nhiệm vụ cơ yếu, bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo an toàn thông tin; Chất lượng, hiệu quả các mặt công tác cơ yếu không ngừng được nâng lên, tổ chức biên chế tiếp tục được củng cố kiện toàn; Đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu trung thành, có phẩm chất đạo đức tốt, lịch sử chính trị gia đình và bản thân trong sạch, rõ ràng, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, quy định công tác cơ yếu, có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Các chế độ chính sách đặc thù đối với người làm công tác cơ yếu luôn được đảm bảo; Lực lượng cơ yếu chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Ban Cơ yếu Chính phủ và các hệ Cơ yếu cấp trên về công tác cơ yếu, bảo vệ bí mật thông tin.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trong việc xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp về bảo mật, an toàn thông tin nhằm đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nhiều giải pháp công nghệ đã phát huy hiệu quả tích cực như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, bảo hiểm; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số chuyên dùng được kết nối liên thông văn bản điện tử bốn cấp (Trung ương - tỉnh - huyện - xã); Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn giải pháp an toàn, an ninh thông tin. Các sở, ban, ngành tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng và được trang bị thiết bị tường lửa tích hợp khả năng chống xâm nhập, phần mềm chống virus để hoạt động thông suốt bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng ký số văn bản điện tử, gửi nhận văn bản điện tử có ký số trên môi trường mạng, thực hiện theo mô hình liên thông bốn cấp.

Đối với yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số như hiện nay, cán bộ cơ yếu tỉnh Đồng Nai cần phải nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin, có năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện thể chế, giải pháp bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu số của tỉnh. Thực tế cho thấy, biên chế tại các cơ quan ngày càng tinh gọn, một đồng chí phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, do đó việc vận dụng lực lượng công nghệ thông tin làm công tác cơ yếu là rất cần thiết.

Đẩy mạnh công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trong thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đạt được, cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ hiện đại, Đồng Nai vẫn còn hạn chế, khó khăn, chậm trong triển khai một số nhiệm vụ về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin cũng như chuyển đổi số.

Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai phải tập trung giải quyết nhiều nhiệm vụ lớn, việc khó. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị địa phương có sử dụng lực lượng cơ yếu sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo cảu Đảng, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực cơ yếu và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng mật mã, mã thám gây phương hại đến an ninh quốc gia thuộc phạm vi quản lý.

Hai là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn tổ chức biên chế cơ yếu các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước. Quản lý chặt chẽ người làm công tác cơ yếu; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tuyệt đối tin cậy về chính trị, tư tưởng, tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực và trình độ chuyên môn giỏi đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa đất nước.

Ba là, nâng cao và đổi mới phương thức hoạt động của công tác cơ yếu, thống nhất trong quản lý sử dụng các hệ thống bảo mật thông tin bí mật Nhà nước có sử dụng mật mã. Triển khai áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ, thiết lập các hệ thống bảo mật thông tin dùng mật mã cơ yếu đáp ứng yêu cầu truyền, nhận thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước đảm bảo an toàn, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.

Bốn là, chỉ đạo, rà soát việc triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ đảm bảo nội dung, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ cảu tỉnh. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam nói chung và cơ yếu tỉnh Đồng Nai nói riêng, xây dựng hệ thống hạ tầng mạng lưới cơ yếu ở cơ sở, đảm bảo phủ sóng cơ yếu tại các cấp ủy địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; Xây dựng tổ chức cơ yếu, đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, triển khai thực hiện việc đưa nội dung quản lý nhà nước về cơ yếu vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nghiệp vụ mật mã, hệ thống máy mã, các sản phẩm mật mã, nhất là đối với các sản phẩm không do cơ yếu trực tiếp quản lý, sử dụng tại các cơ quan, đơn vị địa phương.

Đồng Nai đang trên đà đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; xây dựng giải pháp bảo mật toàn diện, đa lớp cho toàn tỉnh; chuẩn hóa các thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho tất cả các cấp. Tỉnh cũng xác định rõ giải pháp quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa tính tiên phong của lực lượng cơ yếu tỉnh Đồng Nai. Với những kết quả mà công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin đã đạt được trong thời gian qua cũng như chuyển đổi số đã mang lại, có thể tin tưởng rằng đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.

Từ Thiên Tú, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai

Tin cùng chuyên mục

Tin mới