Nâng cao khả năng sẵn sàng cơ động, từng bước làm chủ trang thiết bị công nghệ hiện đại của lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Những năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn thuận lợi, trong đó có khó khăn, thách thức mới xuất hiện chưa từng có tiền lệ; các thế lực thù địch, phản động, tội phạm công nghệ cao ngày càng có những thủ đoạn tinh vi, thâm nhập hệ thống mạng liên lạc thông tin trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước nhằm kìm hãm sự phát triển của tỉnh. Song với sự quyết tâm, đổi mới sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có giải pháp sáng tạo, thích ứng linh hoạt, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định và nâng lên tầm cao mới.
Công tác cơ yếu là một trong những hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bí mật nhà nước, bảo mật an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hoạt động của lực lượng vũ trang, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, đã tập trung quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các lực lượng cơ yếu của tỉnh quán triệt, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, thông tư, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin; trọng tâm là Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ đạo, giao nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện cho từng đồng chí lãnh đạo chủ chốt của địa phương, cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu.
Đ/c Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ
Lực lượng cơ yếu tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu công tác bảo mật, an toàn thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp; làm tốt công tác tiếp nhận, cấp phát, thu hồi, tiêu hủy các tài liệu kỹ thuật mật mã, sản phẩm mật mã, trang thiết bị nghiệp vụ. Các lực lượng Cơ yếu Quân đội, Công an, Đảng - Chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác quản lý nhà nước về cơ yếu, thực hiện giám sát an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu, triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho các cơ quan, đơn vị được đẩy mạnh, ứng dụng có hiệu quả. Trình độ, khả năng sẵn sàng cơ động, chiến đấu của lực lượng cơ yếu được nâng lên, từng bước làm chủ được trang thiết bị công nghệ máy mã hiện đại, duy trì vững chắc hệ thống kỹ thuật mật mã bảo đảm thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền luôn “bí mật, chính xác, kịp thời” trong mọi tình huống.
Đặc biệt trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang tập trung cao đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - công nghệ số như tập trung phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị họp trực tuyến của các cơ quan, đơn vị bảo đảm kết nối thông suốt ở các cấp hành chính từ tỉnh đến xã, triển khai đồng bộ việc ứng dụng chứng thư số, chữ ký số, xác thực văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, xác thực định danh, quản lý cơ sở dữ liệu của quốc gia về dân cư cho các cơ quan đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh… đã tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số hướng tới mục tiêu “vì một Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc”.
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác cơ yếu, công tác bảo mật, an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của tỉnh được các cơ quan, đơn vị chuyên ngành giám sát an toàn thông tin đánh giá mức độ đảm bảo an toàn. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là những cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu đã chủ động phối hợp, đề xuất tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về nghiệp vụ, khoa học - công nghệ mật mã, công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh; xây dựng đội ngũ cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tham mưu tốt; sẵn sàng tiếp thu và sử dụng có hiệu quả những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật mật mã và công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của khoa học - công nghệ hiện nay.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo nghiêm túc việc tập trung phân tích, đánh giá, xác định rõ bất cập, hạn chế; thẳng thắn chỉ rõ những “nút thắt” trong việc thực hiện một số quy định về cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin, công tác tham mưu của lực lượng cơ yếu.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh phát triển chính quyền số, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số đòi hỏi lực lượng cơ yếu Bắc Giang phải nỗ lực nhiều hơn nữa trên các mặt công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về hoạt động công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin và những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển tỉnh Bắc Giang toàn diện trong chuyển đổi số.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo các cơ quan, đơn vị địa phương có sử dụng lực lượng cơ yếu tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có tổ chức cơ yếu chủ động tham mưu, đẩy nhanh tiến trình thực hiện các nhiệm vụ công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin; tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý bảo đảm thống nhất, toàn diện; quan tâm phát triển hạ tầng số, tập trung nguồn lực để đầu tư nền tảng số, kho dữ liệu số hiện đại phục vụ việc chia sẻ, kết nối, khai thác, phân tích dữ liệu, bảo đảm tính tổng thể, liên thông, thống nhất. Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở, định danh điện tử và đẩy nhanh thực hiện cung cấp chứng thư số, chữ ký số trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành mật mã gắn với kiến thức công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng; bảo đảm đội ngũ cán bộ cơ yếu Bắc Giang có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đủ năng lực tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành, khai thác, làm chủ trang thiết bị mật mã hiện đại; kịp thời có hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các tổ chức cơ yếu; triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát sản phẩm mật mã theo hướng tự động, đồng bộ và được tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông quốc gia; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để kiểm soát thông tin, phòng, chống lộ, lọt, mất an toàn thông tin. Phối hợp với cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng trong việc giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và tăng cường quản lý các sản phẩm, trang thiết bị mật mã.
Bốn là, chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh đưa nội dung quản lý nhà nước về cơ yếu vào chương trình giảng dạy.
Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Bắc Giang về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin
Trong thời gian tới, Bắc Giang mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục quan tâm, triển khai giải pháp bảo mật phù hợp, cho phép máy tính kết nối mạng diện rộng của Đảng được soạn thảo, xử lý, lưu trữ, gửi/nhận thông tin, văn bản mật nhằm nâng cao hiệu quả khai thác mạng; có quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức, quy trình xử lý, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra thất lạc đối với từng loại sản phẩm mật mã; tạo điều kiện phối hợp với địa phương xây dựng trung tâm máy mã, phòng làm việc, trung tâm huấn luyện của lực lượng cơ yếu thống nhất, đồng bộ về tiêu chí, quy cách, chủng loại.
Đ/c Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang