Học viện Kỹ thuật Mật mã tuyển sinh năm 2016

09:40 | 12/05/2016 | ĐÀO TẠO ATTT
Năm 2016, Học viện Kỹ thuật mật mã tiếp tục tuyển sinh 600 chỉ tiêu kỹ sư chuyên ngành An toàn thông tin. Đặc biệt, từ năm 2016, lần đầu tiên Học viện tuyển sinh chuyên ngành “Kỹ thuật phần mềm nhúng và điện thoại di động” với 120 chỉ tiêu. Đây cũng là chuyên ngành hoàn toàn mới, lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam.
Nhu cầu nguồn nhân lực An toàn thông tin trước những thách thức mới

Theo số liệu của Hiệp hội ATTT Việt Nam, chỉ số ATTT trung bình của Việt Nam năm 2015 là 46,5% (tăng 7,4% so với năm 2014), nhưng vẫn ở dưới mức trung bình và vẫn còn sự cách biệt với Hàn Quốc (hơn 60%). Theo một báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, tính từ ngày 21/12/2014 tới ngày 21/12/2015, đơn vị này đã ghi nhận 31.585 sự cố ATTT tại Việt Nam. Trong đó, có 5.898 sự cố tấn công lừa đảo, 8.850 sự cố tấn công thay đổi giao diện và 16.837 sự cố cài mã độc. Con số này lớn hơn nhiều so với các sự cố của Việt Nam được ghi nhận trong những năm trước đó. Cụ thể, năm 2010 là 271 sự cố; năm 2011 là 757 sự cố; năm 2012 là 2179 sự cố; năm 2013 là 4.810 sự cố và năm 2014 là 28.186 sự cố. 

Năm 2015 nổi lên tình trạng lừa đảo thông tin qua mạng xã hội. Kẻ xấu luôn tìm cách đưa ra những hình thức, thủ đoạn mới để lừa những người sử dụng nhằm thực hiện hành vi đánh cắp thông tin, thu lợi bất chính. Ngoài xu hướng tấn công trên mạng xã hội, hình thức tấn công thông qua cài mã độc để đánh cắp thông tin với mục đích kinh tế, thì mục tiêu chính trị vẫn được ghi nhận và đã xuất hiện nhiều ở Việt Nam trong năm 2015.


Đại diện các đơn vị đào tạo tham gia Hội nghị các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin theo Đề án 99 của Chính phủ.

TS.Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam cho biết, chủ quyền số, chủ quyền quốc gia truyền thống và không gian mạng thường liên quan đến nhau. Các cuộc tấn công lớn trên thế giới đều bắt đầu hoặc đi kèm là những cuộc tấn công mạng. Còn đại diện của Microsoft đưa ra nhận định, tội phạm thiên về sử dụng mã độc đang gây ra những hậu quả khủng khiếp cho các chính phủ, cá nhân và các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Các mã độc đang gia tăng theo cấp số nhân cả về số lượng, hình thức chủng loại cũng như mức độ đe dọa, gây ra những thiệt hại khó lường. 

Trước tình hình ATTT đang diễn ra hết sức phức tạp và sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành nhiều Đề án, chính sách nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực ATTT, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong đó nổi bật là Đề án 99 về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”. 

Hiện nay, trong cả nước đã có thêm nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành ATTT. Tuy nhiên, là đơn vị đầu tiên trong cả nước tuyển sinh và đào tạo kỹ sư ATTT, đến nay Học viện Kỹ thuật mật mã đã khẳng định được vị trí hàng đầu và uy tín của mình trong lĩnh vực này. Năm 2016 Học viện KTMM tiếp tục tuyển sinh và đào tạo 600 chỉ tiêu chuyên ngành ATTT tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. 

Theo đánh giá của Học viện KTMM, 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ATTT tại Học viện đều có việc làm ngay và có mức lương khởi điểm cao. Trong tình hình hiện nay, nhu cầu sử dụng nhân lực ATTT vẫn đang tăng nhanh, đặc biệt là các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn đang rất “khát” nhân lực ATTT chất lượng cao. Do đó, việc các trường đại học và học viện đào tạo và cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực ATTT có chất lượng là nhu cầu khách quan.

Lần đầu tiên ở Việt Nam có chuyên ngành “Kỹ thuật phần mềm nhúng và điện thoại di động”

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện đã có 22 triệu smartphone được bán ra thị trường và chưa có dấu hiệu sụt giảm nhu cầu. Thị trường điện thoại di động Việt Nam và thị trường ứng dụng CNTT đang đứng trước những cơ hội lớn, nhưng bài toán về nhân lực chất lượng cao trong ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và điện thoại di động vẫn là bài toán khó của nhiều doanh nghiệp.

Theo đánh giá của VietnamWorks, từ nay đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm, đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực CNTT, trong đó nhân lực Kỹ thuật phần mềm là ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất. Không chỉ thiếu hụt về số lượng đào tạo, việc tìm kiếm các chuyên gia CNTT vừa giỏi về chuyên môn vừa thông thạo ngoại ngữ và có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp là một thách thức không nhỏ cho các nhà tuyển dụng hiện nay.

Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn hơn bao giờ hết trong sân chơi CNTT toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và thông thạo ngoại ngữ. Theo điều tra của tổ chức dữ liệu toàn cầu IDC, 99% phần mềm nằm trong các thiết bị nhúng, chỉ 1% phần mềm thông thường (PC). Hệ thống nhúng, thiết bị thông minh có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, do đó, nhu cầu và thị trường phần mềm nhúng ngày càng mở rộng.


Ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng được học sinh đặc biệt quan tâm trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nắm bắt được nhu cầu, từ năm 2015 cũng đã có một số trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành “Hệ thống nhúng” hoặc “Kỹ thuật máy tính và hệ thống nhúng”. Một số trung tâm đào tạo nghề cũng tuyển sinh đào tạo lập trình trên điện thoại di động; lập trình trong các hệ thống tự động hóa, thiết bị thông minh.... Tuy nhiên, việc đào tạo tại các cơ sở này cũng còn nhiều hạn chế và cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường nhân lực trong lĩnh vực phần mềm nhúng và điện thoại di động, từ năm 2016, Học viện KTMM là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam sẽ tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành “Kỹ thuật phần mềm nhúng và điện thoại di động”. Mục tiêu và chương trình đào tạo chuyên ngành “Kỹ thuật phần mềm nhúng và điện thoại di động” của Học viện là: đào tạo 2 trong 1 (Kỹ sư phần mềm + Kỹ sư phần mềm nhúng và di động), hướng công việc (tham khảo, tổng hợp các nội dung từ các trường đại học và đào tạo thực hành tại các trung tâm). Việc đào tạo nhằm hướng tới thị trường trong nước đang khan hiếm nhân lực nhúng và di động, ngoài ra, còn hướng đến thị trường các nước công nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc.... 

 
Học viện Kỹ thuật mật mã là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên ngành ATTT ở trình độ đại học và sau đại học. Năm tuyển sinh 2016, Học viện KTMM tuyển sinh Hệ dân sự với 600 chỉ tiêu ngành An toàn thông tin và 120 chỉ tiêu chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và điện thoại di động. Hình thức tuyển sinh là sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển (Khối A hoặc A1). 
Thông tin chi tiết xem tại (http://tuyensinh.actvn.edu.vn); điện thoại (04)35520575 hoặc 0986.666.095 (cơ sở Phía Bắc); (08) 62939206 (cơ sở Phía Nam).


Tin cùng chuyên mục

Tin mới