Khoa An toàn thông tin - Học viện Kỹ thuật Mật mã: Định hướng phát triển trong giai đoạn mới

13:00 | 29/03/2012 | ĐÀO TẠO ATTT
Được thành lập vào ngày 19/8/1994 đến nay, khoa An toàn Thông tin (ATTT) – Học viện Kỹ thuật Mật mã đã trải qua một chặng đường 8 năm với 03 bộ môn cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trên 20 người. Tỷ lệ giảng viên có học vị Tiến sỹ và Thạc sỹ chiếm 65%, còn lại đều có trình độ Đại học.


Thiếu tướng Trần Nguyên Bình, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ trao bằng khen cho khoa ATTT nhân dịp Đội tuyển của Học viện đạt giải nhất cuộc thi "Sinh viên với ATTT 2010"

Chương trình đào tạo chuyên ngành ATTT của Khoa được xây dựng với 17 bộ giáo trình của các môn học. Hệ thống phòng thực hành của Khoa được đầu tư khá đầy đủ và hiện đại để phục vụ đào tạo thực hành cho các môn học.
Đến nay, khoa ATTT đang đào tạo 05 khoá kỹ sư chuyên ngành ATTT, có 03 khoá đã ra trường với hơn 400 sinh viên. Những sinh viên đã ra trường làm việc đúng chuyên ngành chiếm tới hơn 80% và được các cơ quan đánh giá cao về kiến thức, khả năng làm việc cũng như về đạo đức nghề nghiệp.
Từ năm 2008 đến năm 2011, Khoa đã thành lập các đội tuyển đại diện cho Học viện Kỹ thuật Mật mã để tham gia cuộc thi Sinh viên với ATTT do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm. Các đội tuyển đã giành được 02 giải nhất và 01 giải nhì toàn quốc, 01 giải nhất và 01 giải nhì toàn miền Bắc. Những kết quả trên phần nào đã minh chứng cho chất lượng đào tạo của Khoa ATTT.
Trong giai đoạn tới, trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành Công nghệ thông tin và vấn đề đảm bảo an ninh mạng ngày càng cấp thiết, khoa ATTT không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên ra trường có đầy đủ kiến thức để đáp ứng được công việc trong tình hình mới, thể hiện ở các mặt sau:

1. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học
Các giảng viên của Khoa đều được định hướng nghiên cứu cho phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo và được lựa chọn đảm nhiệm giảng dạy các môn học phù hợp. Các Seminar khoa học thường xuyên được tổ chức nhằm trao đổi các vấn đề nghiên cứu và nội dung đào tạo.
Trong những năm tới, nghiên cứu khoa học được xác định là một trong những hoạt động cần được đẩy mạnh với các đề tài nghiên cứu được định hướng lựa chọn có tính thực tiễn cao và có khả năng đưa vào để ứng dụng trong thực tế.

2. Thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về an ninh mạng với 04 định hướng chủ yếu:
- Phân tích mã độc hại và tìm lỗi phần mềm. Nghiên cứu các phương pháp phân tích mã độc hại nhằm đưa ra các giải pháp tư vấn phương pháp loại bỏ phòng chống mã độc hại, đồng thời phát triển công cụ để loại bỏ mã độc hại đó. Song song với việc phân tích mã độc hại là nghiên cứu tìm lỗi phần mềm. Đây là lĩnh vực chuyên môn khó và rất phức tạp song lại rất cần thiết trong lĩnh vực An toàn thông tin.
- Đánh giá, kiểm thử website, cổng thông tin điện tử và hệ thống mạng. Nghiên cứu các phương pháp đánh giá, kiểm thử về an toàn và bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử, các hệ thống mạng theo tiêu chuẩn ISO, từ đó tư vấn các giải pháp đảm bảo bảo mật cho các đơn vị, tổ chức và các doanh nghiệp.
- Phân tích, xây dựng và đảm bảo các giải pháp an toàn và bảo mật cho hệ thống mạng và các dịch vụ mạng, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống bằng nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau.
- Mật mã ứng dụng trong đảm bảo an toàn thông tin.


Tọa đàm hướng nghiệp cho sinh viên ATTT (năm 2008)

- Nhân lực chủ chốt của nhóm nghiên cứu an ninh mạng là các giảng viên trẻ của khoa, kết hợp lựa chọn các sinh viên khá, giỏi của các khoá thuộc chuyên ngành an toàn thông tin. Mục tiêu nhóm nghiên cứu về An ninh mạng phấn đấu là trở thành một đội ngũ chuyên gia có thể sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, các tổ chức... các vấn đề về tư vấn, đào tạo và hỗ trợ đảm bảo an ninh mạng.

3. Chỉnh lý, bổ sung giáo trình giảng dạy chuyên ngành ATTT
Khoa ATTT  đang tiến hành xem xét và đề xuất cải tiến và xây dựng lại các bộ giáo trình thuộc chương trình đào tạo chuyên ngành ATTT, đồng thời bổ sung thêm một số môn học chuyên sâu như: Phân tích mã độc hại, Kỹ thuật phát hiện lỗi phần mềm, Kỹ thuật điều tra tội phạm mạng, Kỹ thuật Phân tích nhật ký và lưu lượng mạng, Kỹ thuật lập trình an toàn, Kỹ thuật xây dựng và kiện toàn bảo mật Hệ thống mạng... từ đó làm cơ sở để phân chia thành nhiều chuyên ngành hẹp thuộc chuyên ngành ATTT và tạo điều kiện cho các sinh viên có thêm nhiều lựa chọn các ngành học thuộc chuyên ngành ATTT.

4. Chuẩn bị chương trình đào tạo cao học ATTT
Khoa ATTT đang được Học viện KTMM giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành ATTT. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một chương trình có nội dung kiến thức hiện đại, cập nhật các vấn đề mới nhất về ATTT đáp ứng được các yêu cầu xã hội đòi hỏi.

5. Hợp tác đào tạo chứng chỉ ATTT Quốc tế
Được sự cho phép của lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo Học viện KTMM, khoa ATTT đã và đang tiếp tục hợp tác với các hãng công nghệ như Microsoft, Cisco, EC Council để đào tạo chứng chỉ quốc tế cả về công nghệ và bảo mật tại Học viện mạng ACT. Đây cũng là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên của ngành Cơ yếu và các sinh viên của Học viện KTMM.
Để từng bước phát triển nguồn nhân lực, khoa ATTTđã thực hiện tuyển chọn những cán bộ khoa học có trình độ cao, được đào tạo ở các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước vào làm giảng viên cho khoa. Đồng thời, Khoa cũng có chính sách khuyến khích các giảng viên tham gia học tập, nâng cao trình độ để phục vụ công tác tốt hơn. Hiện tại, Khoa đang có những giảng viên đang học tập cao học, và tiến sĩ cả trong và ngoài nước.

Với các định hướng phát triển như trên, trong giai đoạn tới đây, khoa ATTT sẽ luôn sẵn sàng hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được Ban và Học viện giao phó. Đồng thời đây là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo nhân lực ngành ATTT cho cả nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới